CỬA ĐÓNG CỬA MỞ

by MaiLien

Người chấp bút: Iris Đinh

 

Tôi là đứa con duy nhất của cha mẹ. Tôi là kết quả, là trái cấm thương đau của một mối tình quốc cộng giữa thủ đô Sài Gòn khởi đi từ những sân trường đại học năm 1974.

Ông ngoại tôi là một sĩ quan cấp bậc Đại tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Mẹ tôi rất xinh đẹp và được sinh ra trong sự cưng chiều của gia đình bên ngoại có của cải và thế giá thời trước 1975.

Bên nội tôi ruộng nương thẳng cánh cò bay ở bên quận Tân Bình.  Sau này mẹ tôi mới biết là gia đình bên nội là dân Việt Cộng, là những đảng viên kỳ cựu, được giao cho trọng trách nằm vùng khi di tản từ miền Bắc vào Nam năm 1954. Bố tôi rất khôi ngô, lại là một sinh viên ưu tú, bạn bè khen rất xứng đôi với mẹ tôi khi hai người mới quen nhau trong sân trường.  

Vừa xinh đẹp, con nhà gia thế, lại có học, mẹ tôi được rất nhiều thanh niên, nhiều gia đình để ý muốn cưới mẹ tôi về. Trong số những thanh niên ngắm nghé mẹ tôi mà ông bà ngoai tôi rất ưng ý là một chàng phi công lịch lãm, cũng con dòng cháu dõi phía Việt Nam Cộng Hòa.  Mẹ tôi đi học chung trường, có thiện cảm với cha tôi, nhưng cũng vui vẻ nghe lời ông bà ngoại nhận lễ đính hôn của chàng phi công.

Khi cha nghe tin mẹ tôi đã đính hôn với người khác, cha chạy xe tới nhà ông bà ngoại và vác vào một bao đầy súng ống và lựu đạn để lên bàn. Cha nói với ông bà ngoại rằng nếu không gả mẹ cho cha thì cha sẽ cho nổ hết mớ vũ khí đó, và sẽ không ai còn sống sót.  Mẹ cũng có tình cảm với cha, và lầm tưởng rằng cha yêu mẹ tới độ sẵn sàng chết vì mẹ nên mủi lòng thương cha hơn trước.  Ông bà ngoại không biết nghĩ thế nào cũng đành để mẹ lấy cha, tuy trong lòng không vui. 

Riêng ông ngoại, một mặt quá thương và muốn cho con vui, mặt kia lại thấy người rể tương lai của mình có điều gì bất ổn nên lo ngại không biết con mình sau này có được hạnh phúc với người con rể công tử ngang tàng này không. Ông ngoại chỉ còn vớt vát cầu may bằng cách làm khó dễ bên nhà trai cho họ nản lòng mà bỏ không cưới mẹ nữa. Ngoại thách cưới cho thật cao, đòi quà cáp thật hậu hĩ cho cô dâu.  Ngoại yêu sách bên nhà trai phải đãi tiệc cưới bên nhà gái đủ ba ngày, sau đó rước dâu bằng một đoàn xe hơi đắt tiền ngay vào năm 1975 sau khi mất nước và mọi người đang chịu đựng sự nghèo đói khốn khổ tột cùng. Bố không hề nản lòng. Dù ông bà nội không hài lòng, bố vẫn quyết tâm cưới mẹ cho bằng được.

Kết quả của sự thách cưới của ông ngoại là lòng thù hận của gia đinh bên bố dành cho mẹ khi mẹ về làm dâu.  Ngoài sự đay nghiến bạc đãi và thái độ khinh thị rẻ rúng của ông bà nội, bà nội còn làm ngơ để cô út lấy hết quà cưới của mẹ.  Bố bây giờ không còn chiều chuộng lấy lòng mẹ nữa, và bắt mẹ phải đi làm rẫy. Khi bố không vừa ý thì lấy gậy đánh mẹ.  Bà nội chỉ cho mẹ hai cái quần đen và hai cái áo sơ mi để thay đổi hàng ngày. Khi mẹ có thai tôi và bụng lớn tướng, vẫn chỉ có hai bộ đồ đã chật hở bụng hở sườn.

Ngày sanh tôi ra, mẹ cũng không được yên thân.  Bố đã đập cho mẹ một trận trước khi mẹ đi sanh, và mẹ lẳng lặng xách gói ra nhà bảo sanh một mình vì bố bận đi với người yêu mới sau này trở thành vợ kế của bố. Mẹ nấn ná ở lại với bố thêm một năm nữa. Khi chịu hết nổi, mẹ bế tôi trốn về bên ngoại. Lúc này, nhà ngoại đã bị đánh tư sản, bị lấy hết nhà cửa ruộng vườn và bị đày đi kinh tế mới.  Ngoại đuổi mẹ về nhà nội và ngoại nói rằng ngoại đã gả mẹ cho người ta rồi và rằng “nữ sanh ngoại tộc.”

Mẹ không biết đi đâu nên lại về nhà nội sống với bố thêm một năm nữa. Khi tôi hai tuổi, mẹ bồng tôi trốn đi lần nữa. Thời buổi khó khăn và cả nước đói khổ nghèo túng, mẹ không thể vừa ôm con vừa kiếm sống nên đành bế con về giao cho ông bà nội và đi kiếm việc làm tự nuôi thân.  Tuy vậy, vì nhớ con, mẹ cứ lẩn quẩn gần nhà nội và nhà trẻ nội gửi tôi bạn ngày. Được vài tháng, mẹ chịu hết nổi sự xa cách con, nên lại trở về nhà nội sống chung với cha thêm một năm nữa. Khi bố hỏi tới số nữ trang quà cưới của mẹ, mẹ nói rằng cô út đã lấy. Ba không tin là cô út đã lấy vì cô chối bay, và ba đánh mẹ một trận thảm thiết. Mẹ quyết định dứt khoát bỏ đi luôn lần này.  Cũng như lần trước, tuy mẹ dứt khoát với ba, nhưng vì thương nhớ con, mẹ cứ loanh quanh khu nhà nội để mong được nhìn thấy con. Thời đó ai cũng nghèo khổ, ít người giàu để thuê mướn nhân công, nện mẹ rất cơ cực kiếm sống qua ngày. Tuy đói khổ, mẹ nhất định không chịu về nhà ngoại để nhận thêm sự hất hủi.

Bốn năm sau, tình cờ ông nội gặp mẹ ngoài đường, kéo mẹ vào quán cà phê hỏi thăm hoàn cảnh mẹ và kể cho mẹ nghe chuyện phía bên bố sau khi mẹ bỏ đi. Bố tôi từ ngày cưới mẹ vẫn luôn có những quan hệ với đàn bà khác. Sau khi mẹ bỏ đi, bố lấy một cô gốc miền Tây mà bố đã qua lại từ hồi còn ở với mẹ, và có được thêm hai người con, lúc đó Bìnhl ên ba và Hiền mới một tuổi. Theo lời ông nội kể, người vợ sau của bố mới chết trong một tai nạn xe cộ, và bố lại đưa hai em cùng cha khác mẹ của tôi về cho ông bà nội nuôi.

Ông bà nội đã già yếu hay đau bệnh, lại còn phải chăm sóc tôi khi đó mới 6 tuổi và hai em còn quá nhỏ, nên không thể cáng đáng nổi. Bố tôi lúc đó cũng chỉ mới khoảng 26 tuổi còn ham vui chơi nên đùn đẩy trách nhiệm cho ông bà. Khi gặp mẹ, thấy mẹ rách rưới tả tơi, ông nội cũng chạnh lòng thương xót mẹ. Ông đề nghị giúp mẹ có phương tiện sinh sống, cho mẹ một miếng đất rộng ba ngàn mét vuông giữa đồng không mông quạnh. Ông cũng giúp mẹ một ít vốn liếng đủ để cất một căn nhà vách đất và dụng cụ để trồng cấy rau củ. Miếng đất ông cho mẹ cũng gần nhà nội để mẹ có thể gặp được tôi thường xuyện hơn. Bù lại, điều kiện của nội là mẹ tôi phải mang hai đứa con riêng của bố về nuôi.

Người quen của mẹ chửi mẹ ngu khi đồng ý nuôi con của “tình địch” người đã “rù quyến” bố tôi khi mẹ đang mang thai tôi. Ai có ngờ đâu, hai em tôi, hai đứa con côi cút bất đắc dĩ đã dần trở thành những người thân yêu nhất, thân tín nhất, của mẹ tôi trong quãng đời còn lại của bà.

Trong khi tôi vẫn tiếp tục được sống trong sự che chở nuông chiều của ông bà nội, mẹ tôi và hai em kế lam lũ, cuốc đất trồng rau, mò cua bắt ốc, hai tay vày lỗ miệng từng ngày một.  Đã thế, bên ngoại bị đánh tư sản, phải đi kinh tế mới ở Bà Rịa Vũng Tàu, không có đủ đồ ăn và nước sạch. Các cậu dì và các cháu bên mẹ đều đói khổ cùng cực trong vùng kinh tế mới. Khi đã có được miếng đất hoang ông nội cho, mẹ ra Bà Rịa gồng gánh mang về 15 đứa cháu con của cậu hai, cậu ba, cậu tư, và ba người em của mẹ chưa có gia đình về ở cùng mẹ và hai đứa con riêng của bố.

Hơn hai mươi người túm hụm trong căn nhà vách đất nhỏ xíu giữa đồng. Ban ngày, cùng nhau làm rẫy. Buổi tối, những người khỏe mạnh đi làm mướn thêm. Các em nhỏ phụ mẹ bó rau để 10 giờ đêm mẹ gánh ra chợ bà Quẹo bỏ mối cho các sạp. Bình và bé Hiền còn quá nhỏ, không thể ở nhà một mình, nên phải đi theo mẹ mỗi đêm. Hiền bám vào quanh gánh trước của mẹ, Bình vừa cầm đèn bão, vừa bám vào quang gánh sau cho khỏi té. Những đêm bán được rau thì có tiền mang về mua gạo mắm. Nếu rau ế, phải lén lút tìm chỗ vất bỏ và ra về tay không, vì có mang về để hôm sau rau cũng héo. Chỉ mới dăm ba tuổi đầu, Bình và Hiền ban ngày cũng biết lần mò bắt cua bắt ốc trong những con mương quanh nhà và trong đám rẫy của mẹ để cải thiện những bữa ăn nghèo nàn. Hai em tôi và một bầy anh chị em họ sống hoang dại như đọt lang củ sắn, chẳng được đi học hành gì cả.

Mẹ tôi tính tình thật thà vô tư, lại được ông bà ngoại nuông chiều từ nhỏ tới khi lấy chồng, nên nào biết buôn bán làm ăn. Các cậu dì của tôi cũng sống cuộc đời đài các cho tới khi mất Miền Nam nên cũng rất vụng về. Một tương lai mù mịt cho cái gia đình hơn hai mươi người giữa thời buổi đói kém và sự trù dập của phe thắng cuộc. 

Thế rồi trong họa có phúc. Mẹ tôi và hai con nhỏ một bữa đi bán rau gặp lại chú Hùng, một người bạn thân của ba trước đây. Chú Hùng đi làm ăn bên Miên đã lâu, nay mới về lại Việt Nam thăm gia đình. Chú ngỡ ngàng không thể tưởng tượng mẹ tôi ngày xưa là cô sinh viên, tiểu thơ mỹ miều, bây giờ là một bà bán rau tàn tạ xốc xếch khổ cực như thế. Chú nhất quyết bắt mẹ tôi phải nghe lời và nhận sự trợ giúp của chú để có thể thay đổi cái hiện tại mịt mù. Chú bắt mẹ phải cho các con các cháu đi học. Chú cho mẹ một triệu tiền Hồ để nuôi heo và nấu rượu. Chú bày cho mẹ xây chuồng heo, mua heo giống, mua nếp nấu rượu bán và dùng hèm rượu để cho heo ăn. Chú bắt cấc cậu dì ở nhà phụ với mẹ, không đi làm mướn làm rẫy nữa.

Một cái chuồng heo, một con đực một con cái, chẳng mấy chốc đã được nhân lên rất nhanh theo tỉ lệ số rượu mẹ bán ra hằng ngày. Sau ngày mất Miền Nam, người ta chán đời thất chí và có rất ít công việc để làm, nên ăn nhậu miết.  Người ta càng nhậu thì mẹ càng bán nhiều rượu và có nhiều hèm cho heo ăn. Mẹ cứ xây thêm chuồng heo, và từ 3 tới 4 tháng mẹ bán được một lứa. Mẹ và các cậu dì làm việc quần quật cả ngày cho tới khuya. Tiền vô như nước, và mẹ chẳng còn thời giờ để đếm tiền. Tiền thâu vô mẹ cứ bỏ xuống cái hộc giường bằng gỗ.

Vài năm sau, chú Hùng lại về Việt Nam và ghé thăm cái gia đình đông đảo, rất chất phác siêng nặng của mẹ. Khi chú hỏi về công việc làm ăn, mẹ thật thà kể rằng công việc làm ăn tiến triển rất thuận lợi. Tiền vô nhiều quá nên mẹ không còn đếm và không biết làm gì với số tiền mà mẹ đang giữ. Chú Hùng khuyên mẹ nên xây lại căn nhà cho mọi người có chỗ ăn ngủ, sinh hoạt cho thoải mái hơn. Mẹ nhất quyết bác bỏ đề nghị này vì mẹ tin rằng căn nhà đất mà Nội đã cho tiền cất lên là một căn nhà may mắn, nhờ nó mà mẹ đã gây dựng được một gia đình bao gồm những con người khốn khổ cùng quẫn, bị xã hội và cả gia đình gốc hầu như ruồng bỏ, nhưng họ đã hết lòng thương yêu, bảo vệ và hỗ trợ nhau. Cái căn nhà nhỏ hẹp nghèo hèn đã mang lại cho cả gia đình nguồn lương thực và các nhu cầu cần thiết. Hơn tất cả, nó đã mang lại cho mọi người trong nhà sự yên ấm của tình người và niềm hy vọng vào tương lai.

Chú Hùng chịu thua sự cương quyết của người đàn bà vụng về, đơn sơ, về việc xây căn nhà mới, nhưng mẹ lại nghe lời đề nghị của chú, dùng tiền đã có mua vàng để tránh tiền mất giá và trộm cướp, rồi dần dà dùng vàng để mua thêm đất.  Ngoài ra, mẹ còn xây nhà cho ông bà ngoại ngoài Bà Rịa và dựng vợ gả chồng cho các cậu các dì.  Thật là hay không bằng hên.  Rất tiếc và rất buồn cho mẹ và gia đình tôi, những con người mạng nặng ơn nghĩa trời bể của chú Hùng, không lâu sau đã nghe tin chú bị giết chết bên Miên trong một đợt cáp duần thời chiến tranh Miên Việt 1980s.

Trong thời gian này, tôi tuy phải ở với nội nhưng vẫn được qua thăm mẹ và các anh chị em thường xuyên.  Ông nội vẫn âm thầm ủng hộ mẹ. Bà nội tuy không bao giờ ưa mẹ, nhưng cũng để cho ông nội và bố thỉnh thoảng cho tôi qua thăm mẹ và chơi với hai em. Căn nhà vách đất và ruộng rẫy của mẹ là một thế giới lung linh thu hút, và tôi đã được tự do, tha hồ vui chơi khám phá một thế giới mới, dưới sự dẫn dắt của hai nông dân bé nhỏ nhưng thân thiện, vui tươi, sáng tạo và đầy kinh nghiệm sống nơi đồng ruộng. Không khí và con người nơi đây khác hẳn cái không khí và những khuôn mặt nghiêm khắc, nề nếp và u uẩn trong căn nhà xây ba gian kiên cố của ông bà nội.  

Ông bà nội là những đảng viên cao cấp đầy quyền uy nên vật chất chẳng thiếu thứ gì. Ông bà hay nhận được những quà biếu quý giá, thức ngon vật lạ luôn ê hề trong nhà, và tôi đã được nuôi dưỡng như một công chúa, bị cách ly với thế giới trẻ thơ bên ngoài. Mỗi khi được qua thăm mẹ, tôi luôn giấu theo quà bánh cho hai em. Ngược lại, hai em nhỏ cho tôi chơi chung những đồ chơi của các em như đá dế, đá cá lia thia, chơi ô quan, chạy nhảy vô tư và đuổi bắt cào cào châu chấu ngoài vườn ruộng.  Một bữa ham đi săn lùng, bắt những con dế kềnh đỏ rực hay đen bóng với hai em, tôi thọc tay vào một đống gỗ mục và bị rết cắn đau đớn thấu trời xanh.  Khi bà nội biết được, bà cấm tiệt tôi không được qua thăm mẹ nữa.  

Phần tôi, tôi thà chết vì rắn rết cắn chứ làm sao tôi có thể sống được khi không được hít thở cái không khí tự do trong lành và vui tươi nơi phần đất thoáng khoát của mẹ. Thế là tôi cứ lén lút chạy qua vì tôi đã 11, 12 tuổi và có thể đi một mình không cần nhờ ông hay bố đưa đón.  Rồi một tai nạn lớn đã xảy ra thay đổi vận mệnh, tâm tính con người của tôi, và mối quan hệ giữa mẹ con tôi và các em sau này.

Cái ngày định mệnh đó, khi tôi chạy qua tới nhà mẹ thì trời đã xẩm tối, nhưng mẹ vẫn còn bận ngoài mấy cái chuồng heo của gia đình. Tôi lao vào căn nhà vắng vẻ tranh tối tranh sáng.  Mẹ đã kéo được dây điện cao thế vào nhà, với chỉ một ổ cắm điện trên tường ngang đầu tôi và một bóng đèn duy nhất giữa nhà. Thay vì có cái phích cắm điện tử tế, mẹ chỉ có một sợ dây điện lòng thòng cạnh tường.  Đầu sợi dây được chẻ ra làm hai khoảng ba phân, và đã được bóc mất lớp vỏ nhựa bọc bên ngoài sợi dây đồng bên trong. Tôi ghét bóng tối, nên bắt chước mẹ và những ngời lớn trong nhà, cầm lấy cái đầu sợi dây điện cắm vào hai cái lỗ của ổ điện. Cùng lúc với tiếng nổ là những tia lửa xẹt phóng thẳng vào đầu mặt và quần áo của tôi. Sau đó thì tôi không còn biết gì nữa.  

Mẹ tôi kể lại rằng, khi mẹ bước vào nhà thì ngửi thấy mùi cháy khét và tôi nằm ngất đi trên cái giường tre giữa nhà, tóc tai cháy hết, mặt, đầu và cả người bị phỏng, quần áo cháy te tua.  Chắc là nhờ đôi dép nhựa tổ ong mà tôi đã thoát chết, và thân thể tôi bị giựt tung văng lên cái giường gần đó. Mẹ la khóc ầm ĩ, và có người chạy qua báo cho ông bà nội và bố tôi biết.  Bà nội đã ghét mẹ sẵn, bà bắt bố tôi phải lập tức mang tôi về nhà ông bà ngay, để tôi có “chết thì chết trong cái nhà này.” Bà không cho phép tôi được chết trong “căn nhà đất” của mẹ. Bố tôi đưa tôi đi bệnh viện và tôi không còn nhớ tôi đã nằm bệnh viện bao lâu.  Những vết phỏng vết cháy trên thân thể tôi rồi dần dà cũng lành, nhưng từ đó cho tới khi bà nội chết, tôi không còn được qua thăm mẹ, hai em và các cậu dì.  Mẹ tôi sợ bị bà nội đuổi đi ra khỏi nơi cả đại gia đình của mẹ đang tá túc, sinh sống, nên mẹ cũng không dám héo lánh tới gần tôi.

Trong khi tôi tiếp tục sống cuộc đời của một cô công chúa đỏ, trong một gia đình nghiêm khắc đầy quyền uy và của cải của ông bà nội, gia đình bên mẹ tôi vẫn lam lũ, bươn chải, nhưng nhờ trời mọi người đều bằng an và khá giả hơn trước.  

Khi tôi học hết lớp 12, ông bà nội và bố tôi muốn tôi thi vào đại học.  Phần tôi lại thích ăn diện đua đòi, nên mơ mộng cuộc đời sắc màu của một cô thợ may.  Ông nội tôi khóc ròng vì thất vọng.  Bà nội tôi tinh tường và bình tĩnh hơn ông.  Bà thản nhiên cho tôi hai chỉ vàng để đi học may.  Tôi bắt đầu sự nghiệp hoa mộng của một cô thợ may trẻ trung mỹ miều bằng việc học luồn kim, đơm nút, sử dụng máy may cho nhuần nhuyễn rồi mới tới học cắt học ráp.  Một năm sau thì tôi có thể cắt may tạm tạm những quần áo đơn giản.  Hỡi ôi! Cắt may cho xong một cái áo cho tươm tất, tôi chỉ lấy được tiền công 50 ngàn tiền Hồ.  Mộng vàng của cô công chúa đỏ ngang ngạnh vỡ tan tành không ai thương tiếc.  Bà tôi mất hai chỉ vàng nhưng đã dạy cho tôi một bài học thực tế.

Tôi về nhà tuyên bố bỏ nghề may và học thi vào đại học.  Tôi chỉ muốn học hai nghề là kiến trúc và kinh tế, nhưng bố tôi, một luật sư, một đảng viên kỳ cựu, muốn tôi nói nghiệp ông.  Bố chỉ chấp nhận cho tôi học luật, nếu không, bố không giúp tôi tiền bạc để đi học.  Tôi cố thi cho rớt, nhưng số tôi phải học luật nên rồi tôi cũng học xong, vào đảng, và ra làm thư ký cho một bà thẩm phán quá quan liêu và không nguyên tắc gì cả.  

Năm tôi khoảng 23, 24 tuổi, sau khi tôi tốt nghiệp trường luật và đi làm được vài năm thì ông bà nội nối tiếp nhau qua đời.  Cả hai ông bà đều yêu quý tôi và chăm nom tôi từ bé, nhưng ông nội là người cưng chiều tôi hết mực, và cũng là người tôi cũng yêu thương gần gũi nhất, hơn cả mẹ nữa. Ông luôn che chở, bảo vệ, để ý từng ly từng tí những gì tôi thích, và tìm mọi cách cho tôi vui lòng. Ông bị ung thư thận, đau yếu rất lâu trước khi ông mất, và tôi luôn là người nằm ngủ trên bộ ván của ông và chăm sóc cho ông. 

Trước đó, khi tôi 16 tuổi, tôi bị một tai nạn xe cộ, và một ống chân của tôi bị xe cán dập.  Năm đó ông đã bị ung thư thận rồi, nhưng mỗi ngày mỗi đêm ông vẫn ráng sức, xách nách bắt tôi tập đi sau khi vết thương lành, vì ông sợ tôi bị liệt.  Bà nội cũng rất thương và lo cho tôi. Bà lo tắm rửa cơm nước cho tôi hàng ngày khi tôi còn đau và liệt chân.  Tuy vậy, ông nội mới là người để tôi tâm sự nhỏ to.  Bà nghiêm khắc, khó khăn, cứng ngắc chừng nào thì ông lại mềm mỏng ôn hòa chừng đó.  Ông luôn gợi cho tôi một lối nhìn khác mỗi khi có sự việc xảy xa, giúp tôi nhìn ra lối thoát và giải quyết vấn đề của tôi một cách tích cực.  Khi tôi khỏe lại thì cũng là lúc ông nội bịnh nặng hơn, và bà cũng đã bị bệnh tim hành nên rất yếu ớt gầy gò.

Gia đình bên nội tôi thật là lắm tai họa.  Ông bà nội tôi có 9 người con, nhưng khi ông bà đến tuổi già chỉ còn lại bác năm, bố, chú tám, và cô út.  Cô út tôi đã là một phần nguyên nhân gây rắc rối đau khổ cho mẹ tôi thời gian đầu mẹ về nhà nội làm dâu làm vợ.  Cô có ba người con, nhưng chẳng có ông chồng chính thức nào.  Cứ thỉnh thoảng cô lại mang con về ở nhà ông bà nội một thời gian rồi đi.  Cô hung dữ, sống ích kỷ, không quan tâm tới ông bà nội hay ai cả.  Cô về nhà chỉ ăn rồi gây chuyện với ông bà.  Bố tôi là người ít quan tâm chuyện gia đình mà còn phải thốt lên: “Tao chờ ba má chết rồi tao sẽ giết mày đầu tiên.”

Một bữa cô tự nấu cơm ăn, đi lên đi xuống trách móc la lối ông bà.  Sau đó cô ra sân rửa chén khi trời đang chuyển mưa, và cô đã bị sét đánh trúng.  Tôi đứng ở hàng ba nhà bếp ngó ra và chứng kiến cảnh cô bị sét đánh lăn ra giãy đùng đùng ngoài sân.  Cô tôi bị cháy tóc phỏng hết da trên người, và phải nằm bệnh viện tới 6 tháng mới được về lại nhà ông bà nội.  Lạ thay, khi cô về nhà lần này, cô đổi hẳn tính nết.  Hầu như khi gần với cái chết cô đã tỉnh ngộ, trở nên hiền lành tử tế.  Thật vui cho ông bà và cũng rất may cho tôi, vì khi đó ông đã bệnh nặng sắp mất, và bà thì cũng đau tim rất yếu đuối. Cả gia đình chỉ còn mình tôi lo việc nhà và chăm sóc cơm nước cho ông bà rất vất vả. Khi khỏe và về lại nhà, cô đã nhận rằng chính cô là người đã lấy vòng vàng quà cưới của mẹ để giải oan cho mẹ.  Cô mang ba người con về ở chung.  Ngày ngày cô lo cơm nước tươm tất cho cả nhà, và phụ đỡ tôi, chăm sóc ông bà nội tận tình.

Chẳng bao lâu sau, ông mất.  Đó là một ngày đau buồn nhất trong cuộc đời của tôi.  Tôi vẫn ngủ trên bộ ván của ông, và đêm đó cũng thế.  Ông biết mình đã tới lúc phải nói lời từ biệt với đứa cháu yêu thương gần gũi nhất.  Ông cảm ơn tôi đã vất vả chăm sóc ông một thời gian rất dài, và hôm nay gánh nặng của tôi sẽ chấm dứt. Ông muốn tôi chuẩn bị cho ông ra đi.  Ông muốn tôi nấu cho ông một bát cháo, lau mình cho ông sạch sẽ, và mặc cho ông bộ đồ trắng mới.  Tôi vẫn cãi lại rằng ông chỉ đói thôi chứ không đi đâu cả.  Tôi đi nấu cháo, pha sữa, và nấu một ấm nước nóng để lau mình cho ông sạch sẽ trước khi ăn.  Tôi cũng thay cho ông bộ đồ trắng mới tinh rồi mới cho ông uống sữa và ăn cháo.

Ông vừa ăn cháo vừa thủ thỉ với tôi. Lúc này tôi không còn chống trả ý nghĩ ông sẽ phải ra đi nữa.  Tôi ngồi nhìn ông ăn mà đứt từng đoạn ruột, nghĩ về tương lai không có ông mà kinh hãi.  Tôi kỳ kèo mặc cả, nếu ông thương con nhớ con thì ông phải mang con theo ông.  Bà nội vẫn nằm trong nhà nghe ngóng từ sớm.  Khi bà nghe tới khúc “ông phải mang con đi” thì cái thân già rệu rạo chỉ còn 26 ký lô của bà phóng ra nhà ngoài, tới ngay chỗ hai ông cháu tôi.  Bà phán rằng: “Ông không được phép mang nó đi!  Nó phải ở với tôi.”  Lúc bấy giờ tôi mới khóc rống lên: “Nhưng mà con chỉ muốn đi theo ông thôi.  Con không đi theo bà.  Con không thích bà!”

Mặc kệ bà nói gì thì nói, tôi vẫn ở bên cạnh ông.  Ông nằm đó như ngủ sau khi ăn xong, và tôi nằm xuống thiếp đi bên ông khoảng nửa đêm.  Khi tôi thức dậy thì ông đã đi rồi và tay ông vẫn còn nắm chặt tay tôi.  Bác sĩ tới khám và cho biết ông đi khoảng 2 giờ sáng.

Sau đám tang của ông, tinh thần tôi bắt đầu suy sụp, nhưng dầu gì vẫn còn có bà.  Tôi chẳng có cơ hội gần mẹ cha và ông bà ngoại, nên dồn hầu hết tình thương cho ông nội và phần còn lại cho bà nội.  Tôi và bà nội vẫn dấm dẳng với nhau sau khi ông mất.  Tuy vậy, tôi vẫn là đứa cháu cưng của bà.  Có ngày bà vừa bán được con bò con đã rủ tôi ra tiệm vàng mua nữ trang cho tôi.  Tôi không thích bà như ông, nhưng tôi cứng đầu ngang ngạnh có khác gì bà.  Bà muốn tôi mua vàng y, nhưng tôi chỉ thích sợi dây chuyền vàng trắng. Cuối cùng bà phải thua cháu vì tôi bất cần đời lúc đó.  Bà còn hứa khi bà chết bà sẽ cho tôi cái nhẫn hai chỉ nữa, mà tôi đang buồn chẳng tha thiết chuyện gì.

Khi giỗ 100 ngày của ông, bà đã rất mệt, nhưng tôi vẫn đi làm vì tôi có hẹn với bốn người khách.  Tôi nói với gia đình rằng chiều tôi sẽ về ăn giỗ ông.  Đến trưa thì bố gọi phôn di động bảo tôi về vì bà đang chờ tôi. Tôi cứng đầu cứ đi làm tới 3 giờ chiều mới về.  Bà đã mất lúc 1 giờ chiều.  Khi về tới nhà thấy đông người quá, tôi phát hoảng đạp lộn chân ga nên cái xe gắn máy của tôi phóng thẳng vào trong nhà làm đổ sập bàn thờ.  Tôi hoảng kinh, vừa sốc vừa ân hận vì tôi đã không về sớm hơn.  Tôi ngồi tê liệt chỉ biết khóc.  

Sáng hôm sau nhà quàn mới tới để khâm liệm cho bà.  Sau này nghĩ lại, tôi thấy tôi thật quá ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân mình. Khi bà mất chỉ ngồi ăn vạ khóc lóc, trong khi bao nhiêu việc để làm và chuyện phải lo.  Đến khi cả nhà quỳ lạy tôi, tôi mới hoảng hồn và để mọi người lôi tôi lại chỗ bà nằm để vuốt mắt cho bà và gỡ cái nhẫn trên tay bà mà bà đã hứa cho tôi. Trước đó nhiều người cố gỡ nó mà không được.  Tôi vẫn còn tức tối vì tại sao người ta cứ quan trọng việc phải gỡ chiếc nhẫn ra. Khi gỡ được và nắm trong tay, tôi bước ra cửa và ném mạnh nó ra ngoài vườn cây rậm rạp, không còn tìm được nữa.

Tôi ghét và sợ cái đám đông mỗi khi nhà tôi có đám ma.  Mỗi cái đám ma kéo dài ba ngày ba đêm vì gia đình nội tôi gia thế, có địa vị trong đảng trong xã hội, và quan hệ chằng chịt với rất nhiều nhân vật.  Hằng ngày có bao nhiêu người đến viếng và đọc diễn văn trong khi con cháu phải chầu chực tiếp đãi bất tận.  Bà nội mất trùng vào giỗ 100 ngày của ông.  Bác năm cũng bệnh chết sau bà nội một tuần. Kế tiếp là đứa em con cô chết vì ma túy. Tất cả từng ấy đám ma chỉ trong vòng ba tháng.  Căn nhà đã vắng vẻ u ám, bây giờ có thêm bốn bàn thờ và một con điên.  Con điên này không nói chuyên, không thiết ăn uống, chỉ gào khóc và cào xuống sàn xi măng chảy máu hết mấy đầu ngón tay. 

Tôi điên thật, nên bố tôi đưa tôi vào bệnh viện thần kinh.  Tôi phải ở đó cả tháng trời, có bác sĩ thần kinh là ông bác của tôi chăm sóc cho.  Ở nhà, bố tôi và mọi người quyết định phá bỏ căn nhà u ám đó, và dời các bàn thờ về nhà các bác, chú và cô.  Cô tôi cũng đã xây một căn nhà khác cho gia đình cô.  Khi tôi ở bệnh viện về, tôi chỉ còn một chỗ để về là nhà mẹ tôi.  Bây giờ chẳng còn ai cấm cản.  Tôi không còn cái thế một cô công chúa đỏ dưới mái nhà của ông bà nội, nhưng tôi lại trở thành “con bà chủ” tại nhà của mẹ tôi từ đó.

Sau hơn mười năm mới gặp lại.  Mẹ và tôi ôm nhau khóc, kể lể những đau thương mất mát.  Tôi đã là người trưởng thành có công ăn việc làm, và mẹ đã già đi rất nhiều.  Mẹ nói rằng mẹ luôn cầu nguyện cho tôi và mong có ngày xum họp. Bây giờ thì mẹ có rất nhiều tiền.  Mẹ muốn bù đắp cho tôi và mẹ sẽ làm bất cứ điều gì để cho tôi vui.  Tôi đã ở với ông bà nội trong căn nhà ba gian cổ kính kiểu xưa.  Tôi chưa từng có một căn phòng riêng cho mình, nên tôi nói với mẹ rằng tôi ao ước mẹ có một cái nhà thật to và đep đẽ mới mẻ.  Một căn nhà có rất nhiều phòng, đủ cho mỗi người một phòng riêng.  Tôi thấy mẹ già nua và tiều tụy nên tôi vừa đau lòng vừa xấu hổ.  Tôi nói với mẹ rằng mẹ đã phải xa tôi vì nghèo khổ.  Bây giờ tôi muốn mẹ được sung sướng, được hưởng thụ, và xinh đẹp không thua ai.

Mẹ đã xây một cái nhà rất to, năm phòng ngủ và có phòng khách nhà bếp nhà ăn rất tươm tất. Mẹ còn làm riêng cho tôi một cái phòng rất đẹp.  Khổ nỗi mẹ không ích kỷ se sua như tôi.  Mẹ còn ôm đồm đám cháu chắt từ Bà Rịa, Vũng Tàu, Đồng Tháp lên cho chúng đi học và tìm việc làm.  Căn nhà to rộng và đẹp đẽ ước mơ của tôi đã dần dần biến thành trại tị nạn, xô bồ xô bộn, không hề thích hợp với lối sống và tâm tính của tôi.

Tôi càng ngày càng giống tính cách khó khăn kiêu kỳ của bà nội.  Tôi quen lối sống nề nếp cao sang kiểu nhà quê của ông bà nội.  Nhà mẹ tôi thì bình dân dễ dãi.  Thức ăn ở nhà mẹ cũng không hợp khẩu vị của tôi. Khi không vừa ý là tôi đổ tất lên đầu người làm của mẹ tôi.  Tôi mặc sức mà chửi mà đuổi họ.  Chẳng ai chịu nổi, mà cũng chẳng ai dám làm gì tôi kể cả mẹ tôi.  Tiền bạc mẹ con tôi không thiếu. Mẹ tôi và gia đình thân nhân của tôi yêu thương chiều chuộng tôi hết mực.  Tại sao tôi cứ cảm thấy đau khổ, bứt rứt, trống vắng và như thiếu thốn điều gì.

Lúc này tôi đã cãi bố tôi bỏ nghề luật và đi làm huấn luyện viên thể dục cho đám nhà giàu ở Sài Gòn.  Tôi vẫn có tính khí kiêu căng, mất dạy, và hay giận dữ khi người khác không làm vừa lòng mình.  Khi tôi đang làm ở Câu Lạc Bộ Lan Anh, có người muốn làm mai cho tôi một ông người Việt bên Mỹ về Viêt Nam công tác.  Lúc đầu tôi chỉ tò mò muốn biết “Việt kiều” ra sao.   Dần dà quen thân hơn, tôi được ông ta tặng quà sinh nhật đắt tiền, được mời đi chơi bằng xe hơi, được đi ăn hàng quà ở những nơi sang trọng lịch sự, ở khách sạn 5 sao khi đi du lịch Úc, Tân Tay Lan, Hồng Kông, Thái Lan và cả Mỹ, một nơi rất mát và sạch, gặp gỡ những con người có lối sống rất lịch sự tử tế, không chen lấn chửi rủa nhau ngoài đường phố hay trong nhà.  Tôi đã ham mê những tiện nghi vật chất sang trọng ông ta chiêu đãi tôi, một con bé xinh đẹp nhưng quê mùa, sống như bị giam lỏng bao nhiêu năm trong căn nhà u ám, đầy những uẩn khúc và tai họa của gia đình bên nội.

Nhưng thực ra sự cởi mở, hiểu biết và rộng lượng của ông, cùng với những người bạn trí thức và tử tế của ông ta về Việt Nam làm việc thiện nguyện, đã làm cho tôi mở mắt và tỉnh ngộ.  Tôi nhìn ra rằng, thế giới bên ngoài có biết bao điều mới mẻ hay đẹp.  Tại sao tôi cứ phải bám lấy những sân hận, và chìm đắm trong đau thương u ám của quá khứ.  Ông bà nội mất vì tật bệnh của tuổi già là lẽ tự nhiên.  Sao tôi lại cột buộc cuộc đời non trẻ của tôi vào cái chết của họ.

Trái tim tôi bắt đầu mềm trở lại, và ông Việt kiều giỏi giang lịch lãm đã tìm được đường vào.  Khi bố tôi biết tin tôi quen và định lấy Việt kiều, bố tôi ra tối hậu thư: “Nếu con bỏ anh ta, bố sẽ cho con 100 ngàn đô la, cho con đi học thêm, lấy bằng hành nghề luật sư để làm thẩm phán. Nếu không nghe lời bố, con sẽ bị khai trừ khỏi đảng và không bao giờ có cơ hội tiến thân nữa.”  Tôi đã hít thở những cơn gió thoáng mát của thế giới tự do bên ngoài Việt Nam, chứng kiến lối sống nhân bản nhân văn của thế giới đó, và nếm trải tình người không vướng mắc hận thù. Làm sao tôi có thể chui đầu vào lại khi đã thoát ra khỏi những tù túng tối tăm của quá khứ.  

Bố tôi không thèm nói chuyện với tôi nữa, nhưng con chim đã ra khỏi lồng và tìm thấy bầu trời xanh rồi.  Tôi bị khai trừ khỏi đảng năm 2003.  Tôi và ông Việt kiều dễ thương của tôi đã làm đám cưới bên Mỹ năm 2005, và một tiệc cho thân nhân bạn bè bên Việt Nam năm 2007.  Tôi hiện đang sống ở xứ “giãy hoài chưa chết” với con gái 10 tuổi của chúng tôi.  Và ông chồng Việt kiều của tôi sắp về hưu sẽ cuốn gói về nhà giúp tôi chở con đi học, để tôi mau hoàn tất chương trình học đại của riêng tôi.

Bố tôi giận tôi lâu lắm, tôi cũng đã đau khổ vì điều này, nhưng gần đây khi có con dịch Corona hoành hành khắp thế giới, ông thường xuyên gọi qua hỏi thăm gia đình tôi với những lời lẽ nhỏ nhẹ trìu mến hơn.  Hai em tôi bên đó cũng đã ổn định và có mẹ tôi gần gũi.  Mẹ tôi còn khỏe mạnh, và bà có cuộc sống riêng của bà.  Khi thỉnh thoảng mới gặp nhau, mẹ và tôi thuận thảo dễ chịu hơn là phải sống chung một nhà.  Nếu cánh cửa có thể mở ra hay khép lại khi cần, kể cả cánh cửa của con tim, thì giàu hay nghèo, xa hay gần, người ta cũng có thể cảm thấy bình an và sẵn sàng để chia sẻ tình thương yêu và sự hỗ trợ cho nhau.  Tôi vẫn còn đang tập đóng mở cánh cửa của riêng mình, hầu có được sự ấm áp hay mát mẻ cần thiết, mà không cảm thấy bị giam hãm trong những bế tắc của cuộc đời.