THÊM YÊU DÂN VIỆT

by TT

 

Tôi - một người sinh sau chiến tranh, đã từng ảo tưởng mình là có học thức vì có trong tay tấm bằng luật sư tại quê nhà, đã từng từ chối đi phỏng vấn để sang Mỹ định cư chỉ vì ác cảm với những nhận xét tiêu cực của những Việt kiều theo kiểu “con gái Việt Nam chỉ lấy chồng ở hải ngoại vì ham đi Mỹ” hoặc “ở bên Mỹ người ta tốt lắm, đàng hoàng lắm..”, hay tệ hơn nữa là những lời nói của các Việt kiều đều sặc mùi “phản động”. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình an ổn với bằng cấp đang có, thu nhập- thù lao được trả theo giờ và tính bằng Mỹ kim. Cuộc sống sẽ cứ diễn tiếp nếu tôi không tình cờ bắt gặp một đứa trẻ sáu tuổi từ Mỹ về tô màu một bức tranh trong tập sách tô màu. Bức tranh đó đã khiến tôi nhận ra rằng mình kém cỏi và thật sự tò mò muốn biết thêm về nền giáo dục của Mỹ và tác động của học vấn có liên hệ gì đến mức sống cũng như dân trí của người dân cư ngụ trên đất Mỹ.

Sang Mỹ học tôi mới nhận ra rằng hệ thống giáo dục Mỹ không chỉ cung cấp các kiến thức cơ bản mà còn khuyến khích sinh viên thể hiện tối đa khả năng suy xét và sáng tạo của bản thân bằng những quy định tôn trọng tính đa dạng và sự khác biệt của người khác. Trong các buổi thảo luận của lớp ở Hoa Kỳ, phản biện một ý kiến nào đó là một điều hết sức bình thường, tuy nhiên sinh viên không được phép bài xích cá nhân của người đưa ra ý kiến. Phương thức giáo dục này giúp sinh viên học sinh tự tin trong việc thể hiện suy nghĩ của mình và chấp nhận những điều khác biệt. Bức tranh thể hiện khả năng sáng tạo, vượt qua những rào cản thông thường là điều đầu tiên đứa bé khiến tôi lờ mờ nhận ra sự yếu kém của mình. 

Tôi tin chắc rằng đại đa số chúng ta khi tô màu một bức tranh đã in sẵn, chúng ta sẽ cố gắng tô màu sao cho đừng lem ra khỏi đường viền và phối màu sao cho đẹp bởi vì không hiểu tự khi nào chúng ta đã mặc định cái khung chỉnh chu là chuẩn mực để đo lường cái khéo, cái đẹp. Nhìn vào bức tranh tô màu của con bé, tôi nhìn thấy màu được tô nguệch ngoạc nhưng con bé đã vẽ thêm từng đàn chim bay ngang trời, cụm mây trắng bên cạnh ông mặt trời cười tươi tỏa nắng. Bên cạnh chú thỏ là các thảm cỏ, khóm hoa với vài con bướm đậu cành. Riêng chú thỏ thì được con bé làm hồng đôi má và tô thắm đôi môi. Con thỏ còn được thêm phần điệu đà bởi đã được cô bé sáu tuổi tặng thêm chiếc vòng cổ và sợi dây quanh cổ chân. Tôi tự xấu hổ vì biết rằng nếu đưa bức tranh để tô màu, tôi chỉ có thể hoàn thành một con thỏ với cách phối màu tương đối hài hòa và không lem màu ra khỏi đường viền. Tôi tự hỏi vì sao hơn ba mươi tuổi đầu mà tôi vẫn không nghĩ thoáng hơn một đứa trẻ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một đứa trẻ tô màu như vậy ở Việt Nam. Tôi chợt đau đớn nhận ra rằng mình đã quen làm theo số đông đến nỗi thuộc lòng và sợ hãi khi làm những điều khác biệt. Nỗi sợ đó lớn đến mức nắm níu những ước mơ và vùi lấp những khát khao được vươn xa. Tôi đã thu hẹp ước mơ thực thi công lý. Tôi đã thương mại hóa ước mơ của mình và tự ru mình bằng một cuộc sống sung túc. Tôi tự xấu hổ và quyết tâm thay đổi bằng cách tập kiên nhẫn lắng nghe những ý kiến khác và tiếp thu những kiến thức mới. 

Rèn luyện cho mình kỹ năng lắng nghe kiên nhẫn và sẵn sàng tiếp thu những kiến thức mới giúp tôi hiểu và yêu dân Việt hơn những tháng ngày còn sống tại quê nhà. Năm 2016 khi ở Việt Nam xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển thuộc Hà Tĩnh, rất nhiều người biểu tình tại quê nhà, các hội đoàn và kiều bào tại Mỹ cũng tham gia biểu tình đòi chính quyền Việt Nam công khai lý do ô nhiễm biển nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân. Tôi- ngày ấy vừa sang Mỹ sống chưa được ba năm- vẫn còn lối tư duy cũ, nhìn các bác, các cô chú với đôi mắt đục vì lối suy nghĩ hạn hẹp. Có một chị bệnh nhân mặc một chiếc áo thun có in hình xương cá rủ tôi đi biểu tình.  “Quê chị ở Phú Quốc, chị yêu biển lắm em ơi. Biển thì nối liền nhau, nay ô nhiễm ở miền trung thì mốt sẽ ở miền nam. Mình thì yên ổn nhưng nếu không đi biểu tình, họ không ngăn chặn, cá nhiễm độc chết họ ém nhẹm rủi anh em, cô bác, cậu dì, đồng bào của mình ăn phải bệnh chết hoặc  rồi sinh con bị quái thai thì sao em? Chưa kể cá chết hết mai mốt mình không còn nước mắm để mà ăn luôn đó!”

Ánh mắt kết hợp với cách lý giải của chị đọng lại trong tâm trí tôi không chỉ ngày hôm đó mà còn là rất nhiều ngày sau. Chị khiến tôi cảm thấy xấu hổ vì chị ít học hơn tôi nhưng suy nghĩ thấu đáo hơn tôi gấp trăm lần. Chị giúp tôi hiểu rằng cuộc sống thuận lợi hiện tại không thể là lý do khiến mình quên đi nghĩa vụ chăm lo cho lợi ích chung của đồng bào mình tại quê nhà. Ngay mùa học đó, tôi chuyển ngành học của mình sang ngành Chính trị học vì tôi biết mình cần thêm kiến thức để sau này có thể tiếp nối các công việc tốt đẹp mà các cô bác mình đang thực hiện. Một năm sau đó, tôi được chấp nhận chuyển tiếp theo học hệ đại học tại trường University of California at San Diego với đúng chuyên ngành mà tôi đã chuyển sang. 

Trong dịp hè của năm 2017, tôi vào thực tập tại County và lần đầu tiên tôi có cơ hội được tiếp xúc với các hội đoàn trong cộng đồng Việt Nam tại San Jose. Những lần tham dự họp định kỳ hàng tuần, tôi được biết các bác trong cộng đồng vẫn kiên trì biểu tình cho vụ Formosa hàng tuần vào mỗi tối thứ bảy (được biết tính đến cuối tháng 2/2020 khi tôi viết bài này đã được 200 lần biểu tình liên tiếp, nghĩa là ròng rã liên tục gần 4 năm). Tôi thấy họ quan tâm sâu sắc đến tình hình chính trị tại quê nhà với những nhận định sắc bén. Tôi thay đổi hoàn toàn nhận định của mình về họ vì cảm phục tâm tình yêu nước sắc son của họ. Họ không hề là những “ông bà già rỗi hơi” như cách suy nghĩ ấu trĩ trước đây của tôi, mà họ là những anh hùng yêu nước bởi lẽ họ hy sinh thời gian nghỉ ngơi với con cháu vào dịp cuối tuần để lo cho việc nước. Họ nhẫn nại đấu tranh dù thời tiết có thế nào đi nữa. Tôi nhớ mãi câu nói của một cô “ Quê hương của mình, mình không tiếp tục công tác biểu tình này thì e rằng nó chìm xuồng và sẽ bị quên lãng”. Tôi thấy mình nhỏ bé trước tấm lòng yêu nước của họ và tự hứa rằng mình sẽ noi theo gương của những bậc cha chú đấu tranh vì nền dân chủ cho nước Việt, dân Việt dấu yêu.